Chi tiết bài viết
CHẠY XE Ô TÔ AN TOÀN TẠI KHU VỰC CÓ BĂNG, TUYẾT
Hỏi: Gia đình tôi đang có kế hoạch lên Sapa trải nghiệm tuyết rơi. Xin cho biết chúng tôi cần lưu ý gì khi đi bằng ô tô.
Dr. COOL: Mấy năm gần đây, ở Việt nam, vào mùa đông, băng giá đã trở thành một hiện tượng không còn hiếm tại một số tỉnh ở khu vực phía Bắc (Hình 1), trong đó có cả vùng ven thành phố Hà Nội. Hiện tượng này không chỉ tác động đến sinh hoạt, đời sống của nhiều người dân mà còn gây ra rất nhiều sự cố kỹ thuật, nguy cơ mất an toàn đối với hàng loạt ô tô khi hoạt động trong khu vực có băng giá. Dưới đây, xin cung cấp cho chủ phương tiện và người điều khiển xe một số điểm cần lưu ý khi sử dụng ô tô tại các khu vực này.
Hình 1. Ô tô hoạt động trên đường bị đóng băng
Lốp xe
Lốp xe có nhiều loại, ngoài việc phân loại theo kết cấu bố lốp, lốp xe còn được phân chia thành lốp xe mùa đông và lốp xe mùa hè.
Lốp xe mùa hè thường cứng hơn và vân lốp có kết cấu thoát nước tốt nhằm hạn chế tối đa tác động của “chêm nước”(Aquaplaning) khi chạy trên mặt đường ướt. Ngược lại, lốp xe mùa đông được làm bằng loại cao su tổng hợp mềm tạo ra độ bám chắc trên mặt đường băng, tuyết. Tuy nhiên điều này khó mà có thể nhận biết được bằng cảm quan; Vì vậy, để giúp cho người sử dụng dễ nhận biết lốp dùng cho mùa đông, trên loại lốp này, đều có thêm biểu tượng bông tuyết (Hình 2).
Hình 2. Kí hiệu lốp xe dùng cho mùa đông
Theo quy định của nhiều nước châu Âu thì lốp mùa đông phải được sử dụng trong khoảng từ tháng 10 đến hết tháng 3 hàng năm.Vì vậy, ở các nước xứ lạnh, việc thay lốp xe vào đầu mùa đã trở thành thói quen của chủ phương tiện, tháng 10 hàng năm, người ta thay lốp xe chạy mùa hè sang lốp xe chạy mùa đông và vào tháng 4 người ta lại lắp lốp xe chạy mùa hè lên, thay cho lốp xe chạy mùa đông. Các lốp xe thay xuống có thể gửi luôn tại xưởng lốp hoặc mang về bảo quản tại garage của mình để dùng lại cho mùa tới.
Trường hợp phát hiện xe chạy mùa đông vẫn sử dụng lốp xe mùa hè thì sẽ bị phạt từ 60 đến 120 Euro và bị trừ 1 điểm trong bằng lái. Việc mùa hè, xe chạy bằng lốp mùa đông không bị cấm tại các quốc gia này, tuy nhiên việc sử dụng lốp mùa đông để chạy xe trong mùa hè sẽ làm tăng mức tiêu hao nhiên liệu và ảnh hưởng xấu đến tính năng vận hành của xe.
Vừa qua, ở Việt Nam, việc nhiều phương tiện ô tô, xe máy lắp lốp thông dụng (lốp mùa hè) hoạt động ở các khu vực có băng giá đã tạo ra nguy cơ lớn về an toàn giao thông. Vì vậy về nguyên tắc, ta nên hạn chế tối đa việc sử dụng xe lắp lốp thông dụng tham gia giao thông ở khu vực có băng giá. Một giải pháp hay được một số người áp dụng tạm thời khi “chót” phải chạy trong khu vực đường bị đóng băng là làm mềm lốp xe bằng cách xả bớt hơi trong lốp.
Dung dịch làm mát động cơ
Trong thực tế, không ít chủ xe ở Việt Nam đã sử dụng nước sinh hoạt, nước tinh khiết đóng chai…để làm mát động cơ xe ô tô. Việc sử dụng nước để làm mát động cơ đã là không đúng về kỹ thuật nhưng khi xe hoạt động ở khu vực có băng giá thì còn có thể dẫn tới sự cố kỹ thuật. Khi hoạt động ở nhiệt độ thấp dưới 0°C nước sẽ bị đóng băng. Việc nước đóng băng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của xe mà trong một số trường hợp còn có thể dẫn tới hiện tượng nứt vỡ két, bình chứa nước. Nguyên nhân gây nứt vỡ là do thể tích riêng của băng lớn hơn so với nước dạng lỏng.
Để dung dịch làm mát không bị đóng băng ở nhiệt độ thấp thì trong dung dịch làm mát nhất thiết phải có chất chống đóng băng (antifrreeze). Hiện nay, ethylene glycol và propylene glycol là hai chất được sử dụng phổ biến nhất để chống hiện tượng đóng băng đối với dung dịch làm mát động cơ. Dung dịch làm mát được các nhà sản xuất xe sử dụng đổ vào xe cũng như khuyến cáo sử dụng trong bảo dưỡng, sửa chữa là loại phải có thành phần chống đóng băng. Tùy theo điều kiện làm việc, tỷ lệ chất chống đóng băng có trong dung dịch làm mát thông dụng dao động trong khoảng từ 35 % đến 60 %. Trên bao bì sản phẩm thường ghi rõ tỷ lệ thành phần này (Hình 3)
Hình 3. Dung dịch làm mát động cơ Preston có thành phần chống đóng băng
Vì vậy, đối với các xe ô tô sử dụng ở khu vực có băng, tuyết thì nhất thiết phải sử dụng các loại dung dịch làm mát có thành phần chống đóng băng phù hợp; Không sử dụng nước hoặc dung dịch làm mát không có thành phần chống đóng băng để làm mát động cơ.
Hệ thống sấy kính
Khi vận hành ở khu vực có băng giá, trong nhiều trường hợp, kính chắn gió phía trước, phía sau của xe thường bị băng tuyết bám lên, cản trở tầm nhìn. Vì vậy, ngoài việc kiểm tra các tính năng an toàn thông dụng thì người điều khiển xe cần phải kiểm tra thêm tính năng hoạt động của hệ thống sấy kính. Trường hợp, hệ thống sấy kính không hoạt động thì cần sửa chữa, khắc phục trước khi đưa xe vào sử dụng. Ngoài ra, ta cũng có thể trang bị thêm trên xe dụng cụ cạo băng bám trên kính.
Ắc quy và đèn chiếu sáng, tín hiệu
Vào mùa đông ắc quy thường phải chịu tải nhiều hơn. Ngoài ra, nhiệt độ càng thấp thì khả năng làm việc của ắc quy càng giảm. Vì vậy, để hạn chế sự cố xảy ra trên đường do ắc quy, đối với xe hoạt động trong khu vực băng giá, các đầu cực ắc quy phải được kiểm tra, làm sạch và bắt chặt (Hình 4). Đối với ắc quy ướt thì phải đảm bảo dung dịch trong ắc quy không thấp hơn mức chuẩn. Ắc quy quá cũ, nát cần được thay thế mới.
Hình 4. Đầu cực ắc quy bị oxy hóa
Ngoài ra, khi hoạt động ở vùng có băng tuyết thì tầm nhìn của người lái thường bị hạn chế, nhất là khi tuyết đang rơi hoặc sương mù dầy đặc. Vì vậy, việc kiểm tra kỹ tính năng công tác của hệ thống đèn chiếu sáng, tín hiệu là rất cần thiết.
Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý khi đưa xe vào hoạt động ở khu vực lạnh, có băng giá. Chúc các bạn có các chuyến đi ngắm băng, tuyết an toàn.
Dr. COOL