Chi tiết bài viết

Dùng nước để làm mát động cơ ô tô

Hỏi: Tại sao không nên dùng nước không để làm mát động cơ mà lại phải pha thêm các chất khác vào ?

Dr COOL: Một trong những giải pháp để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu cho ô tô khi vận hành là hạn chế bớt tổn thất nhiệt của quá trình đốt cháy nhiên liệu bằng cách nâng cao nhiệt độ dung dịch làm mát động cơ tiệm cận với giới hạn cho phép. Ở các ô tô hiện đại ngày nay, nhiệt độ độ dung dịch làm mát có thể đạt tới trên 120 độ C.

                                                                   

Nước là một loại chất lỏng có hệ số truyền, dẫn nhiệt tương đối tốt nên từ lâu đã được sử dụng để làm mát động cơ ô tô. Tuy nhiên, ở điều kiện bình thường, nước lại sôi  và hóa hơi ở  100 độ C. Ngoài ra, nước còn là một tác nhân gây ăn mòn, sét gỉ đối với một số bộ phận trong hệ thống làm mát. Vì vậy, nước không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với dung dịch làm mát động cơ của các ô tô hiện đại.

Để hạn chế việc dung dịch làm mát động cơ  bị sôi ở nhiệt độ cao và hạn chế hư hỏng các bộ phận của hệ thống làm mát người ta  sử dụng đồng thời  biện pháp sau:

  • Tăng áp suất trong hệ thống làm mát cao hơn áp suất khí quyển;
  • Pha thêm vào nước một số loại phụ gia có tác dụng nâng cao nhiệt độ sôi;
  • Pha thêm vào nước các phụ gia có tác dụng bôi trơn và chống ăn mòn.

Trên thị trường, các chất phụ gia sử dụng để pha chế dung dịch làm mát  thường được bán dưới dạng  chất lỏng đựng trong chai nhựa hoặc lon kim loại. Thực tế cho thấy, do không hiểu tác dụng của các chất phụ gia cần có đối với dung dịch làm mát động cơ xe ô tô nên có khá nhiều chủ xe thường chỉ dùng nước máy sinh hoạt hoặc nước uống tinh khiết đổ vào hệ thông làm mát động cơ. Làm như vậy không chỉ làm giảm khả năng làm mát động cơ mà còn có thể  làm cho các bộ phận của hệ thống làm mát nhanh bị hư hỏng.

Dr COOL