Chi tiết bài viết

THAY PHIN LỌC KHI THAY GA LẠNH ĐIỀU HÒA Ô TÔ

Hỏi: Cách đây 2 tháng, xe bị đâm nát đầu; khi sửa chữa phải thay cả dàn nóng, phin lọc ga và nạp mới ga lạnh.  Mấy ngày trước, thấy xe kém lạnh nên đưa xe đi  kiểm tra tại xưởng chuyên điều hòa ô tô mới biết ga  nạp trong xe không phải là  loại ga 134a phải nạp cho xe như  in trên nhãn ga lạnh dán trong khoang máy của xe; muốn nạp lại ga  R 134a mới nhưng thợ ở đó yêu lại cầu phải thay cả phin lọc ga. Xin Dr. COOL cho biết, trong trường hợp này có cần phải thay phin lọc ga vừa mới thay gần đây không ?

Dr. COOL: Phin lọc ga có chức năng lọc và chặn lại các tạp chất có trong ga lạnh như mạt kim loại, nước, cặn dầu bôi trơn…, không cho chúng đi tới các bộ phận khác của hệ thống điều hòa ô tô. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, tính năng lọc của phin sẽ dần dần bị suy giảm và trong  trường hợp, khi lượng  tạp chất có trong phin quá lớn - còn có thể  gây ra hiện tượng tắc phin.

      Vì vậy, cũng tương tự như bầu lọc dầu của động cơ xe, phin lọc ga cũng cần được định kỳ thay mới. Tuy nhiên, không phải mỗi khi sửachữa, bảo dưỡng điều hòa đều nhất thiết phải thay phin lọc mà nó thường chỉ cần thực hiện khi nạp mới ga lạnh. Theo kinh nghiệm , phin lọc ga điều hòa ô tô cần được thay mới trong các trường hợp sau:
-         Hệ thống điều hòa bị  tắc ẩm;

-         Lốc nén  bị hỏng phải thay lốc nén khác;

-         Nạp phải ga lạnh giả, không đúng chủng loại, không đúng chất lượng theo quy định của nhà sản xuất xe;

-         Dầu bôi trơn trong hệ thống điều hòa bị biến chất;
-         Khi bảo dưỡng điều hoà theo định kỳ mà cần nạp mới ga/ dầu lạnh.

      Theo câu hỏi  thì xe của bạn thuộc một trong số các trường hợp cần thay phin lọc ga trước khi tiến hành nạp lại ga lạnh.

      Thực tế cho thấy, ngay cả khi đã xả hết ga lạnh cũ và hút chân không  thì vẫn khó có thể loại trừ được  hết ga lạnh cũ tồn lại trong phin lọc. Khảo sát bằng thiết bị phân tích thành phần ga lạnh ROBIN AIR  ( Mỹ) trên xe Focus phải thay mới ga lạnh do nạp phải ga lạnh “lẩu” (86 %  ga lạnh R12, 14 %  ga lạnh R134a) cho thấy:

  • Khi nạp mới lại ga lạnh R 134a  và không thay phin lọc : thành phần ga lạnh trong xe khi kiểm tra là 97 % R134a và 3 % R12=> vẫn tồn dư một lượng ga lạnh R12;
  • Khi nạp mới lại ga lạnh R 134a  và có thay phin lọc: thành phần ga lạnh trong xe khi kiểm tra là 100% R134a và 0%  R12=> chỉ có ga lạnh R 134a;

      Vì vậy trước khi nạp ga lạnh để thay cho ga lạnh  cũ- không đúng chủng loại, chất lượng thì việc thay phin lọc ga là rất cần thiết.

      Ngoài ra,cũng cần lưu ý thêm rằng, ga lạnh “ dởm” không chỉ có ảnh hưởng xấu đến độ lạnh của xe mà trong nhiều trường hợp còn làm biến chất, giảm khả năng bôi trơn của dầu lạnh dẫn tới hỏng lốc nén. Vì vậy, trong những trường hợp nạp phải ga lạnh giả, kém chất lượng ta nên thông thổi sạch ga lạnh, dầu bôi trơn cũ và thay phin lọc ga mới trước khi tiến hành việc nạp ga lạnh đúng chủng loại, chất lượng.

Dr. COOL