Chi tiết bài viết

ĐẢO LỐP Ô TÔ NHƯ THẾ NÀO

Bánh xe là một bộ phận liên quan trực tiếp đến an toàn trong quá trình vận hành xe ô tô. Vì vậy, hàng ngày, trước khi lên xe, ta cần đi một vòng quanh xe để kiểm tra sơ bộ tình trạng của các bánh xe.

Trường hợp, thấy lốp xe bị non hơi thì cần bơm cho đủ áp suất. Trị số áp suất lốp cần bơm thường được thấy trong sách hướng dẫn sử dụng hoặc trên tem dán ngay tại khu vực cửa bên lái.

 

Hình 1. Dấu độ mòn lốp giới hạn

Một vấn đề nữa cần lưu ý là độ mòn của lốp không được vượt quá giới hạn cho phép. Để người sử dụng xe  nhận biết được giới hạn mòn cho phép của lốp thì ở mặt bên một số loại lốp thường có đúc một hình tam giác nhỏ; khi bề mặt lăn của lốp ngang bằng với đỉnh tam giác thì cần phải thay lốp mới. Mặt khác, theo Tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật áp dụng cho việc kiểm tra  định kỳ tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thì chiều cao hoa lốp đối với ô tô con đến 9 chỗ ngồi không nhỏ hơn 1,6 mm; ô tô chở khách trên 9 chỗ ngồi không nhỏ hơn 2,0 mm; ô tô tải và ô tô chuyên dùng không nhỏ hơn 1,0 mm.

Hình 2. Sơ đồ đảo lốp đối với trường hợp lốp dự phòng không cùng kích cỡ với các lốp khác trên xe

Do chế độ làm việc của các bánh xe khác nhau nên độ mòn của các lốp cũng khác nhau. Vì vậy, để kéo dài thời gian sử dụng lốp ta cần định kỳ thay đổi vị trí lắp đặt các bánh xe (hay còn gọi là “đảo lốp”). Trong trường hợp không có  quy định của nhà sản xuất thì ta có thể áp dụng chu kỳ đảo lốp khoảng 10.000 km. Trong hình 2. cho thấy sơ đồ đảo lốp đối với trường hợp lốp dự phòng và các lốp lắp cho xe có kích thước khác nhau. Đối với các loại xe có lốp dự phòng và lốp lắp cho xe cùng kích thước,  việc đảo lốp được thực hiện như trong hình 3.

Hình 3. Sơ đồ đảo lốp đối với trường hợp lốp dự phòng có cùng kích cỡ với các lốp khác trên xe

Dr. Car